Tổ chức phiên làm việc về Thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường và Trường Đại học tài nguyên và môi trường thành phố Hồ Chí Minh (HCMURNE)

Với mong muốn thiết lập mối quan hệ hợp tác liên quan đến hoạt động đào tạo, giảng dạy; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và chia sẻ nguồn lực, ngày 19/4/2024, tại Chi nhánh miền Nam của NACCET, Đoàn công tác của Trường Đại học tài nguyên và môi trường thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm quan và có buổi làm việc thảo luận hợp tác với Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường. Đoàn công tác có TS. Đặng Xuân Trường - Phó Trưởng phòng Hành chính - Quản trị và TS. Trần Thanh Tâm - Phó Trưởng Phòng KHCN và quan hệ đối ngoại. Tiếp đoàn phía NACCET - chi nhánh miền Nam có ThS. Nguyễn Hữu Đức – Trưởng Chi nhánh miền Nam, ThS. Phùng Như Quân – Phó Trưởng Chi nhánh miền Nam cùng các cán bộ nghiên cứu của Chi nhánh miền Nam.

 

Picture1-Copy-3

Ảnh: Hai bên tham gia thảo luận

Mục đích của hoạt động hợp tác là thông qua các chương trình hợp tác để tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để phát huy vị thế, vai trò của mỗi Bên; nâng cao chất lượng toàn diện trong hoạt động đào tạo, giảng dạy; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và chia sẻ nguồn lực và giúp gắn kết được đội ngũ cán bộ, viên chức, các chuyên gia, các nhà khoa học và giảng viên trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học. Hai bên cũng thống nhất quan điểm, yêu cầu các chương trình hợp tác phải thực tế, đi vào chiều sâu, phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi Bên, chú trọng hiệu quả, tránh hình thức; các chương trình hợp tác phải đảm bảo thu hút sự tham gia của các cấp lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, viên chức, các chuyên gia, các nhà khoa học ở các đơn vị của mỗi Bên; kịp thời rút kinh nghiệm để nhanh chóng nhân rộng các chương trình hợp tác có hiệu quả.

Nội dung thảo luận hợp tác tập trung vào 3 nội dung chính bao gồm:

1. Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và giảng dạy

- Trao đổi sinh viên, cán bộ, nhân viên theo các hình thức: Hai bên đào tạo, hướng dẫn học viên, sinh viên, cán bộ nhân viên tại cơ sở của mình theo thời gian và mô hình phù hợp với điều kiện của hai Bên. Trong đó ưu tiên, HCMURNE nhận đào tạo cho cán bộ, nhân viên của NACCET các chuyên đề về môi trường; đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. NACCET nhận hướng dẫn sinh viên thực tập, hướng dẫn tốt nghiệp; tham gia các trao đổi các chuyên đề về quan trắc môi trường, xử lý hóa chất độc hại, ứng phó sự cố môi trường...

- Chia sẻ cơ sở vât chất, các tài nguyên phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học theo khả năng của mỗi Bên.

2. Hợp tác trong nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế

- Hợp tác xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án nghiên cứu và các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực như biến đổi khí hậu; quan trắc, cảnh báo và ứng dụng công nghệ thông tin trong mô phỏng, mô hình tính toán lan truyền, dự đoán ứng phó sự cố môi trường; công nghệ vật liệu; xử lý ô nhiễm, hóa chất độc hại.

- Hai bên tạo điều kiện thuận lợi để giới thiệu, trao đổi các kết quả khoa học và công nghệ của mình thông qua các hình thức như tổ chức hoặc tham gia hội thảo khoa học, toạ đàm,…; hoặc cử các đoàn trực tiếp đến tham quan, nghiên cứu, trao đổi tại cơ sở của mỗi bên

- Hai bên hỗ trợ công bố sở hữu trí tuệ và các công trình nghiên cứu khoa học chung giữa hai đơn vị theo các quy định hiện hành; xây dựng các cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ liên quan đến lĩnh vực có mối quan tâm chung, tạo điều kiện chuyển giao các cơ sở dữ liệu về kết quả điều tra, nghiên cứu, các công nghệ mới của mỗi bên.

3. Hợp tác trong sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học

Hai Bên chia sẻ, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của mỗi Bên để phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của mỗi Bên.

Picture2-Copy

Ảnh: Đoàn công tác Trường ĐH Tài Nguyên và Môi trường Tp.HCM thăm quan Phòng thí nghiệm Chi nhánh miền Nam

               Sau buổi thảo luận, hai bên nhất trí sẽ tổ chức ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên trong thời gian sớm nhất, sau đó sẽ cụ thể hóa nội dung hợp tác thông qua kế hoạch chi tiết hằng năm và có tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để đạt được những kết quả thực sự của hoạt động hợp tác./.