Hướng đến việc tìm kiếm các giải pháp thực tiễn cho quá trình thực hiện dự án, vừa qua, các đơn vị liên quan đã tổ chức họp bàn điều chỉnh các chỉ tiêu của dự án, nhằm đảm bảo các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin được triển khai trong giai đoạn tiếp theo sẽ đạt hiệu quả cao hơn và tăng tính phù hợp với tình hình thực tế.
Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (gọi tắt là Dự án Hòa nhập) do Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET)-Chủ dự án và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID)-nhà tài trợ thực hiện. Dự án triển khai tại 3 vùng, do 3 đơn vị quản lý gồm: Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), Tổ chức HI và Tổ chức CRS. Trong hơn 2 năm qua, dự án được triển khai đồng bộ trên tất cả các mục tiêu tại địa bàn 8 tỉnh (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai) và đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn những hoạt động chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam được triển khai nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho người khuyết tật, nạn nhân da cam/dioxin (nguồn: Báo Chính phủ)
Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thực hiện, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) đã nhấn mạnh những thách thức lớn mà dự án đang phải đối mặt, trong đó đáng lưu ý là sự khác biệt giữa báo cáo nghiên cứu khả thi với tình hình thực tế khi triển khai dự án; chưa đánh giá đầy đủ nhu cầu của người khuyết tật cần nhận nhiều hơn một dịch vụ hỗ trợ; thiếu thông tin về lĩnh vực ưu tiên, nhu cầu và nguồn lực sẵn có của địa phương...
Theo thiết kế ban đầu, mỗi người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin chỉ được hưởng một dịch vụ hỗ trợ, tuy nhiên quá trình triển khai trong thực tế cho thấy họ cần sự hỗ trợ nhiều mặt, từ y tế, sinh kế, đến phục hồi chức năng. Nhiều địa phương thiếu nhân lực chuyên môn và trang thiết bị để thực hiện các hoạt động phục hồi chức năng và hỗ trợ y tế cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều thay đổi trong chính sách của Bộ Y tế về cấp các chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế tham gia đào tạo; vấn đề về địa bàn thực hiện dự án; vấn đề phân bổ nguồn ngân sách...
Thượng tá TS. Trần Đức Hùng (Phó Tổng giám đốc NACCET) cho biết, việc họp bàn thống nhất để thay đổi các chỉ tiêu chi tiết sẽ góp phần đảm bảo thời gian lập kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo cũng như đưa dự án Hòa nhập về đích thành công vào năm 2026.
Ghi nhận những ý kiến đề xuất từ đại diện các tỉnh thuộc dự án, đại diện NACCET và USAID đã trình bày chi tiết về các chỉ tiêu dự kiến sẽ thay đổi bao quát cho toàn dự án và chi tiết cho từng tỉnh, cũng như có phiếu khảo sát để xin ý kiến từ lãnh đạo các tỉnh. Từ đó, đại diện các tỉnh đã có những đề xuất cụ thể về các nội dung tương ứng với tình hình hiện tại của từng địa phương đang triển khai dự án.
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án Hòa nhập.
Qua đó, phiên họp đã đi đến thống nhất việc điều chỉnh các chỉ tiêu của Văn kiện Dự án Hòa nhập để phù hợp hơn với thực tế tại địa phương. Một trong những điều chỉnh quan trọng nhất là tăng số lượng dịch vụ hỗ trợ cho mỗi người khuyết tật, nạn nhân da cam/dioxin, thay vì chỉ giới hạn ở một dịch vụ như trước, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, giúp họ có cơ hội hòa nhập xã hội tốt hơn.
Cùng với đó, dự án cũng đồng thuận đẩy mạnh các chỉ tiêu như: Số lượng cán bộ phục hồi chức năng được nâng cao năng lực chuyên môn; số lượng người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin tham gia vào các hoạt động của mạng lưới tổ chức; tăng cường các mô hình sinh kế và cải thiện thích nghi sinh hoạt cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Các đại biểu đồng thuận với việc đẩy mạnh các chỉ tiêu của dự án Hòa nhập.
Các đơn vị tham gia, bao gồm NACCET, USAID và các tổ chức đối tác CCIHP, HI, CRS cùng các đơn vị thực hiện cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tỉnh có dự án để giải quyết những khó khăn còn tồn đọng. Mỗi cá nhân và tổ chức đều có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển biến này. Các bên cũng nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp liên ngành, nỗ lực chung tay nhằm đảm bảo các điều chỉnh sẽ được triển khai một cách hiệu quả, bền vững, mang lại lợi ích cao nhất cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin./.