Từ ngày 11 đến ngày 13/6/2025, Ban Quản lý Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức chuyến công tác làm việc tại hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Tham gia đoàn công tác gồm đại diện Chủ Dự án là Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET); đại diện Nhà tài trợ – Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Tổ chức quản lý dự án CRS cùng các đối tác triển khai dự án tại hai địa phương.
Tại tỉnh Bình Phước, đoàn đã làm việc với Sở Y tế và các đơn vị thực hiện dự án nhằm đánh giá tiến độ và kết quả triển khai các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật. Theo báo cáo, trong năm 2024, dự án đã hỗ trợ 728 người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ phục hồi chức năng, can thiệp sớm, cung cấp dụng cụ trợ giúp, dịch vụ sinh kế và hỗ trợ cộng đồng. Đồng thời, hơn 140 cán bộ chuyên môn đã được tập huấn nâng cao năng lực, góp phần cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ cho người khuyết tật.
Tại tỉnh Đồng Nai, đoàn đã làm việc với Sở Y tế, thăm quan và làm việc với Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Đồng Nai. Các đơn vị địa phương đã chia sẻ nhiều kết quả tích cực nhưng cũng nêu lên một số khó khăn như thiếu nhân sự chuyên môn sâu, hạn chế trong việc kết nối giữa các dịch vụ và nguồn lực địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh chuẩn bị cho giai đoạn sáp nhập hai tỉnh.
Phát biểu tại các buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hùng – Thư ký Dự án ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của hai địa phương trong công tác triển khai dự án, cũng như sự chủ động, phối hợp tích cực từ các đối tác thực hiện. Ông nhấn mạnh rằng, trong thời gian tới, khi tỉnh Bình Phước và Đồng Nai bước vào giai đoạn chuyển giao và sát nhập, sẽ xuất hiện một số thách thức như thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước, điều chỉnh phân bổ nguồn lực và nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hoạt động tại địa phương. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để tái cấu trúc toàn diện hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật, theo hướng tập trung, hiệu quả và bền vững hơn. Đặc biệt, khi hai tỉnh được hợp nhất, sẽ giúp nâng cao hiệu quả chỉ đạo, tăng cường hiệp đồng giữa các ban ngành và đối tác thực hiện, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng, nhân rộng các mô hình can thiệp phù hợp trong giai đoạn tới.
Chuyến công tác lần này là dịp để các bên tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và cùng nhau tháo gỡ các vướng mắc trong giai đoạn chuyển tiếp. Trong thời gian tới, Chủ Dự án – NACCET sẽ phối hợp với đại diện phía Hoa Kỳ, cùng các đối tác sẽ tiếp tục đồng hành, giám sát và đảm bảo tiến độ thực hiện theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.
Sau đây là một số hình ảnh: