Thăm các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến và Đại sứ Mỹ Marc Knapper đều nhấn mạnh về hợp tác hai nước trong khắc phục hậu quả chiến tranh.
Chiều 6/8, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đến thăm, tặng quà tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội. Trung tâm nằm tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì) đang chăm sóc, nuôi dưỡng 123 nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến và Đại sứ Marc Knapper thăm hỏi các nạn nhân da cam.
Việt Nam vẫn còn khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc hoá học, khoảng 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam- trong đó có nhiều người thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3. Vì vậy, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho rằng "nỗi đau da cam là nỗi đau chung của lương tri, của nhân loại".
Thứ trưởng cảm ơn sự chia sẻ, đồng hành của các tổ chức quốc tế, Chính phủ Mỹ cùng với Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, xoa dịu "nỗi đau da cam". Ngoài ra, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, việc thực hiện chế độ, chính sách với người yếu thế - trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin - luôn được Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, địa phương quan tâm.
Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 701) đã có các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường hợp tác với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tổ chức các hoạt động cải thiện chất lượng sống cho nạn nhân tại 8 tỉnh bị phun rải nặng. Đó là, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Mỹ (65 triệu USD) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (75 tỷ VNĐ). Hoạt động hợp tác này sẽ được mở rộng tiếp tại Cà Mau, Bạc Liêu và Quảng Ngãi.
Trên tinh thần "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai" Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến nêu về việc hai nước hợp tác xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, giải phóng được khoảng 32,4 ha đất. Hiện hai nước đang hợp tác xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 với 300 triệu USD vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Mỹ hỗ trợ.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cũng nói về việc tìm kiếm và hồi hương hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam. "Tôi cũng ra tận vùng biển của Nha Trang để chứng kiến cuộc tìm kiếm hài cốt, kỷ vật là đồng hồ, khuy áo của quân nhân Mỹ bị mất tích từ năm 1971 được các thợ lặn tìm thấy ở vùng biển sâu 27m", Thứ trưởng cho biết.
Còn Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhấn mạnh, quan hệ Mỹ và Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nhờ những mối quan tâm chung của hai nước. "Bản thân tôi cũng là con trai của một cựu binh Mỹ, vì vậy một trong những lợi ích chung đặc biệt có ý nghĩa đối với tôi - đó là cam kết của hai quốc gia chúng ta trong việc hỗ trợ các cựu chiến binh và gia đình họ khắc phục hậu quả chiến tranh", Đại sứ bày tỏ.
Đại sứ trân trọng những nỗ lực mà Trung tâm cùng ban giám đốc và cán bộ, nhân viên đã cống hiến, giúp đỡ các nạn nhân.
Đã 5 năm trôi qua kể từ khi Chính phủ Mỹ hợp tác với Ban chỉ đạo 701 thông qua ký kết biên bản hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh của Việt Nam bị rải chất độc da cam. Quan hệ đối tác hợp tác này đã giúp đỡ hơn 17.000 người khuyết tật và gia đình của họ ở 8 tỉnh.
Hiện nay, Mỹ đang nỗ lực hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực để cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và an sinh xã hội tốt hơn cho người khuyết tật... Ông Marc Knapper cho biết, quan hệ hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là nền tảng để xây dựng lòng tin, thể hiện cam kết của hai nước và cũng thúc đẩy mối quan hệ Mỹ-Việt thành Đối tác chiến lược toàn diện như hiện nay.