Binh chủng Hoá học công bố hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So

Sáng ngày 24/10, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức Công bố hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, chủ trì buổi công bố.

z4815259623673_900194094aa4f77e3298eb6d3ef049d4

Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; đại biểu Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương và Bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam.

z4815259610261_4e591608961a070504334bab7e896b00

Sân bay A So nằm ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới, cách trung tâm TP Huế khoảng 100 km. Công trình được Mỹ xây dựng từ những năm 1960 nhằm tăng cường tiềm lực quân sự, khống chế hành lang chiến lược phía tây dãy Trường Sơn. Từ tháng 8/1965 đến 12/1970, huyện A Lưới là một trong những nơi bị phun rải chất độc da cam nhiều nhất, trong đó nặng nhất là sân bay A So.

Theo thống kê, A So hứng chịu khoảng 11 kg dioxin, diện tích ô nhiễm 5 ha, chiều sâu trung bình 0,7 m. Tổng khối lượng trầm tích cần xử lý khoảng 38.000 m3, trong đó hơn 6.600 m3 đất nhiễm có nồng độ trên 200ppt, mức độ rất nặng. Để hồi sinh vùng đất này, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt và giao Binh chủng Hoá học trực tiếp chủ trì và thực hiện dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”. Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) là cơ quan trực tiếp chủ trì và thiết kế công nghệ đưa vào áp dụng cho dự án. NACCET đã lựa chọn công nghệ chôn lấp, cô lập kết hợp công nghệ xử lý bằng phương pháp phân hủy sinh học để xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như kỹ thuật tại Việt Nam.

z4815259612619_334e48a03c4bc86f0e9b0d4d9b84f7ce

Sau 3 năm thực hiện, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song với trách nhiệm và quyết tâm cao, các cán bộ, chiến sĩ của NACCET đã nỗ lực hoàn thành dự án đúng tiến độ được giao (Theo thời gian điều chỉnh được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt). Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng việc làm sạch dioxin tại sân bay này thể hiện những nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Sắp tới, người dân ở khu vực sân bay A So có thể yên tâm canh tác nông nghiệp, triển khai các mô hình sinh kế giúp cải thiện đời sống và phát huy tối đa những tiềm lực vốn có của địa phương trong phát triển kinh tế tại khu vực này. Đồng thời, khẳng định rằng dự án sử dụng hoàn toàn ngân sách Nhà nước, ứng dụng chính các công nghệ và kỹ thuật do các cơ quan, đơn vị Việt Nam nghiên cứu và phát triển đã chứng minh khả năng làm chủ công nghệ, tự lực, tự cường của Việt Nam trong xử lý chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh. Binh chủng Hóa học đã chứng tỏ là đội quân chiến đấu trong thời bình có đủ năng lực thực hiện tốt các nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hoá học sau chiến tranh và hoàn toàn có đủ nhân lực, nguồn lực, đội ngũ chuyên gia cũng như cán bộ kỹ thuật lành nghề để có thể sử dụng các công nghệ hiện đại để xử lý chất độc hoá học/dioxin.

z4815259633803_4bb305a1754e0d8ee5d3bc9adda46d12

z4815259647669_afe4cd451c0824a4b2c0fe0c4bfd4227

Sau khi cơ bản hoàn thành việc xử lý chất độc dioxin tại sân bay A So, Binh chủng Hoá học đã bàn giao lại 5,23ha đất sạch cho UBND huyện A Lưới quản lý, khai thác kinh tế./.